Cán bộ, công chức 'thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử'

Gần đây, một vài doanh nhân tìm đến trao đổi với người viết bài này nhiều khó khăn của họ trong kinh doanh mà phần lớn là do sự trì trệ của các cán bộ công chức.

Một doanh nhân kể, họ đến một sở ở địa phương để nộp hồ sơ đầu tư dự án lớn về phát triển bất động sản, nhưng đi “năm lần bảy lượt” mà hồ sơ không được tiếp nhận. “Người ta từ chối nhận hồ sơ vì nhận là phải trả lời trong 15 ngày lý do không giải quyết. Mà nhận thì họ chắc chắn không giải quyết được vì không ai ký”, vị doanh nhân nói.

Tình trạng này có lẽ không còn đơn lẻ ở một địa phương vì những doanh nhân khác cũng kể những câu chuyện tương tự. Không ít các cơ quan quản lý không giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp tư nhân thì đã đành, họ còn thậm chí không tiếp nhận hồ sơ để ít nhất biết vướng mắc là gì.

Gần đây, nhóm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại nhiều tỉnh, thành phố cũng đã gửi đơn kêu cứu đến nhiều cấp về nhiều quy định về quản lý xăng dầu chưa phù hợp, đặc biệt là các quy định ở khâu bán lẻ dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ nặng nề trong thời gian dài, từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường bất ổn.

Tuy nhiên, đơn từ gửi đi mà không nhận được hồi âm, hay động thái giải quyết, ngoại trừ một vài cuộc thảo luận do VCCI chủ trì.

Còn rất nhiều các ví dụ khác mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp khó khăn từ các cơ quan quản lý mà người viết bài này không thể kể hết ở đây vì khuôn khổ bài báo có hạn.

Tình trạng này đã từng được đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Phó đoàn đại biểu tỉnh Bình Thuận) phản ánh tại buổi thảo luận về kinh tế - xã hội tại Quốc hội trong kỳ họp tháng 10 năm ngoái. Ông phản ánh, có cán bộ tâm sự với ông "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử".

Ông nói: “Nguyên nhân là hệ thống pháp luật chưa đồng bộ. Cùng một vấn đề, áp dụng luật này thì đúng, nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra áp dụng luật khác thì thành sai; thời điểm này có thể đúng, khi kiểm tra ở thời điểm khác lại sai”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, sau khi đi tới nhiều địa phương, cũng bày tỏ thực tế ông ghi nhận được: nhiều công chức không muốn, không dám thực thi đúng chức trách, nhiệm vụ của mình.

Có những công chức tâm sự với ông: “Em thà chịu bị phê bình làm chậm, chưa hoàn thành nhiệm vụ còn hơn là bị kỷ luật, có thể bị truy cứu hình sự”, “Em làm cũng sai, mà không làm cũng sai”, “Bây giờ em đọc các văn bản pháp luật có liên quan, em thấy các quy định đó như những cái bẫy đối với chúng em, và em sợ”.

Thậm chí, có người còn nói thẳng: “Chúng em cố gây khó, tạo thêm hàng rào kỹ thuật cho dân và doanh nghiệp để cảm thấy an tâm, an toàn cho bản thân”.

Như vậy, không ít cán bộ làm khó, tạo thêm rào cản cho người dân và doanh nghiệp hơn là tạo thuận lợi và tìm cách giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư phát triển kinh tế địa phương.

Trước đây, công việc của ngành nào, ngành đó xử lý theo các quy định pháp luật tương ứng đối với ngành. Nay mọi việc, nhất là các vấn đề liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng..., các sở có liên quan đều phát công văn tham vấn ý kiến của tất cả các sở, ngành. Do đó, việc giải quyết công việc liên quan kéo dài lê thê, gấp nhiều lần so với trước.

Các quyết định được đưa theo cơ chế đồng thuận tạo biết bao thủ tục nhiêu khê và tốn thời gian. Trong nhiều trường hợp, các cán bộ địa phương tham vấn ý kiến chuyên môn của các bộ, ngành trung ương liên quan nhưng cách và nội dung trả lời, nếu có, không giúp ích gì cho công việc của họ. Trong nhiều trường hợp, không có quyết định cuối cùng.

Các vướng mắc, khó khăn của người dân và doanh nghiệp thường không được báo cáo lên lãnh đạo nếu chưa tìm được giải pháp an toàn về pháp lý. Cán bộ cấp dưới không báo cáo lãnh đạo cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo.

Lan Anh, Vietnamnet


 

Phát biểu trong phiên thảo luận tổ về kinh tế xã hội sáng 25/5/2023, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, hiện nay có tình trạng không ít cán bộ, công chức, viên chức làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ.

Bộ trưởng cho biết: "Về biểu hiện tôi không nói và cần thiết sẽ giải trình tại phiên thảo luận hội trường tới đây. Nhưng phải xác định đây là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Bởi đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đã vi phạm các quy định theo nghị quyết của Đảng, trước hết là nghị quyết 04 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11, 12 về xây dựng và chỉnh đốn Đảng".

Theo Bộ trưởng, những biểu hiện này cũng vi phạm các quy định của Luật Chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Cán bộ, công chức.

"Phải khẳng định như vậy và có thái độ rất rõ ràng về biểu hiện này. Chúng ta không thể bênh che với các biểu hiện này trong bối cảnh đất nước đang rất khó khăn, tình trạng như vậy làm cản trở phát triển kinh tế, xã hội. Làm giảm niềm tin của nhân dân với đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống hành chính Nhà nước", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ.

Đặc biệt, Bộ trưởng khẳng định "phải xóa bỏ nhận thức của một bộ phận công chức là 'không làm thì không sai, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước tòa'. Đây là nhận thức rất nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn xây dựng công vụ, chức trách nhiệm vụ của cán bộ, công chức". Bộ trưởng cho biết, trong bối cảnh hiện nay, hơn lúc nào hết phải vượt lên khó khăn, thách thức để thực hiện nhiệm vụ này.

Vietnamnet


 

Dù cuối giờ chiều 31/5, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã giải trình về thực trạng cán bộ sợ sai, song nội dung này vẫn chưa hết nóng và tiếp tục nhận được nhiều quan tâm của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 1/6/2023.

Những tấm biển tranh luận lần lượt được giơ lên trong hội trường Diên Hồng, với mong muốn tiếp tục thể hiện quan điểm đến cùng về vấn đề nhức nhối này.

"Tôi xin tranh luận với các ý kiến của đại biểu Trần Hữu Hậu, Tạ Văn Hạ, Tô Văn Tám hôm qua. Đây là những người bạn của tôi, nhưng tôi cũng muốn làm tới bờ tới bến về chuyện cán bộ sợ sai nên bỏ bê công việc", đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Nam Định) nói.

Khẳng định đây là vấn đề có thật, nhưng theo ông Kim, nguyên nhân nhạy cảm nhất của thực trạng này chưa được nói rõ.

Đồng tình với quan điểm "bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu", ông Kim cho rằng không chỉ sợ sai mà cán bộ còn né tránh, đùn đẩy, cái gì thuận lợi thì vơ vào mình, cái gì khó khăn thì đẩy cho tổ chức, người khác.

Theo vị đại biểu, tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu rất rõ về vấn đề này, thậm chí "nói rõ hơn cả ý kiến đại biểu", trong đó phân tích cả nguyên nhân. Trong phát biểu đã nêu một bộ phận cán bộ sợ rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng mạnh mẽ lên thì cán bộ nhụt chí, không dám làm.

Cũng giơ biển tranh luận về chủ đề này, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhấn mạnh "không làm gì cả là một hành vi vi phạm pháp luật", bởi trong quan hệ pháp luật, hành vi gồm hành động và không hành động.

"Không hành động tức là không thực hiện bổn phận nghĩa vụ mà Nhà nước trao cho, như vậy là vô trách nhiệm, mà vi phạm pháp luật thì phải xử lý", ông Vân nói.

Vị đại biểu phân tích bộ phận này có 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là không biết gì nên không làm được gì. Nhóm thứ 2 là không có lợi thì không làm và nhóm thứ 3 là biết nhưng sợ không làm.

"3 nhóm này đều không thực hiện nghĩa vụ mà Nhà nước, nhân dân trao cho. Vi phạm như vậy thì phải xử lý, rất đáng tiếc khi các cấp, các ngành thấy cán bộ không làm gì là vi phạm nhưng không xử lý", ông Vân nói.

Xem xét tính chất, mức độ và hậu quả gây ra, vị đại biểu đề nghị xem xét xử lý hành vi này.

Theo ông, một người không làm gì mà gây ra hậu quả nghiêm trọng thì phải xử lý hình sự.

Ví dụ bác sĩ không cứu người, gây ra hậu quả chết người phải truy tố. Một chủ tịch tỉnh mà không làm gì dẫn đến kinh tế đình trệ không phát triển khiến cho doanh nghiệp, nhân dân sa vào khó khăn, đại biểu cho rằng còn gây hậu quả lớn hơn nhiều vị bác sĩ kia. Vì vậy, ông đề nghị phải xử lý nghiêm khắc các trường hợp này.

 

Pinklaw Vietnam