Kỹ năng khi ô tô rơi xuống nước

Kỹ năng khi ô tô rơi xuống nước
1. Chuẩn bị bình ôxy
2. Chuẩn bị phao trên xe
3. Chuẩn bị búa kiêm cắt dây đai
4. Hạ cửa kính, cửa trời; không mở cửa ra vào
5. Phá cửa kính ghế phụ hoặc sau vì kính lái luôn an toàn nhất (phá "Tempered")
6. Chỉ có thể mở cửa chính khi nước đã vào đầy xe
7. Học bơi
8. Khi đến bến phà, cầu phao,
 các nơi xung yếu, cho mọi người và trẻ em xuống xe
9. Nếu không có búa thì rút gối đầu ghế ra: https://www.facebook.com/reel/528958336288637
10. Dẫn động cầu trước: Đầu xe chìm trước: Cốp xe công tắc thoát hiểm khẩn cấp


Trích Báo Dân trí:

Từ vụ sập cầu Phong Châu: Những kỹ năng sống còn khi ô tô rơi xuống nước

Người ngồi trên ô tô chỉ có 1-2 phút để thoát thân khi xe rơi xuống nước.

Ô tô rơi xuống nước là một tình huống khẩn cấp, cần có sự phản ứng nhanh của người ngồi trong xe để tự cứu lấy mình. Và để có thể giữ bình tĩnh, hành động thật nhanh khi xe ô tô rơi xuống nước, tài xế cần nắm vững một số kỹ năng thoát hiểm.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, trước khi chìm, hầu hết các xe sẽ nổi trên mặt nước trong 30-120 giây (tùy trọng lượng xe). Đây chính là khoảng thời gian "vàng" để người ngồi trong xe tự cứu mình và người thân.

Theo Giáo sư Tiến sĩ Gordon Giesbrecht, một chuyên gia người Canada về các tình huống khẩn cấp dưới nước, trong các tai nạn lao xe xuống nước, các yếu tố quan trọng được ưu tiên thứ tự là: Tháo dây bảo hiểm, mở cửa sổ hoặc phá cửa kính và thoát ra ngoài (trẻ em trước, người lớn sau).

Tháo dây đai an toàn

Vì sao việc đầu tiên bạn cần nghĩ đến khi xe ô tô bị rơi xuống nước là tháo dây đai an toàn?

Khi ô tô rơi xuống nước, hoặc sau khi có tác động vật lý, cơ cấu chốt có thể bị kẹt, tức là dây an toàn có thể không nhả ra khi bạn bấm vào nút màu đỏ ở chốt như thông thường.

Nếu không kịp bấm nút nhả dây an toàn thì việc có một dụng cụ cắt dây an toàn có thể làm nên sự khác biệt giữa sống và chết khi ô tô rơi xuống nước.

Nhiều người có thể lập luận rằng, nếu như vậy thì trong tình huống ô tô rơi xuống nước, việc không cài dây an toàn sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, khi ô tô chuẩn bị rơi, nhất là từ vị trí cao như trên cầu, nếu không đeo dây an toàn đúng cách, bạn có thể bị quăng quật bên trong xe dẫn tới bất tỉnh.

Do đó, khi xảy ra tình huống ô tô rơi xuống nước, thời điểm tháo dây an toàn rất quan trọng, để vừa tránh được nguy cơ bị quăng quật bên trong xe, vừa không bị trói chặt trên ghế khi xe chìm xuống nước.

Thoát hiểm qua cửa sổ

Khi một chiếc ô tô bị rơi xuống nước, hệ thống điện của xe chỉ hoạt động được tối đa khoảng 3 phút trước khi chìm hẳn. Do đó, sau khi tháo dây an toàn, hãy lập tức hạ cửa kính (hoặc cửa sổ trời nếu có). Đừng cố mở cửa ra vào vì việc này có thể khiến nước vào xe, nhấn chìm chiếc xe nhanh hơn.

Thêm vào đó, nếu xe đã bắt đầu chìm, việc mở cửa chính gần như là không thể, do áp lực nước xung quanh. Chỉ có thể mở cửa chính khi áp suất trong và ngoài xe cân bằng, tức là nước đã vào đầy bên trong xe.

Trong trường hợp hệ thống điện không thể mở được cửa kính, hãy dùng các vật nặng có đầu nhọn để đập kính lái. Chẳng hạn một cái khóa, kìm, tua vít, dùng gót chân, thậm chí là giày cao gót… Tốt nhất, nên để trong xe một chiếc búa chuyên dụng (có giá khoảng hơn 100.000 đồng, bao gồm cả chức năng cắt dây an toàn, đèn pin, sạc điện thoại…).

Nên phá cửa kính bên hoặc kính sau vì kính lái luôn an toàn nhất với nhiều lớp kết dính bằng keo chuyên dụng. Một số ô tô có cửa sổ trời, cũng là khu vực có thể dễ thoát ra hoặc dễ phá hơn.

Trường hợp không thể phá vỡ cửa kính, hãy bình tĩnh đợi mực nước vào trong xe đến ngang ngực rồi hít một hơi thật dài, chờ đến lúc nước vào đầy bên trong xe. Lúc này, áp suất giữa trong và ngoài cân bằng, việc mở cửa để thoát ra ngoài sẽ dễ hơn.

Thoát ra ngoài

Khi đã đập vỡ kính cửa sổ hoặc mở được cửa chính, việc đầu tiên là phải đưa trẻ em ra ngoài. Nên ra tín hiệu để trẻ nhỏ hít một hơi sâu trước đó. Nếu trẻ biết bơi thì cố gắng đưa trẻ lên càng cao càng tốt; nếu không, cố gắng cho trẻ bám vào một vật có thể nổi được trước khi ra ngoài.

Khi thoát ra khỏi xe, việc đầu tiên là bạn phải tìm cách nổi lên mặt nước càng sớm càng tốt. Hãy bơi về hướng có ánh sáng hoặc theo hướng các bọt không khí đang nổi lên.

Tóm tắt lại, những gì cần làm là có sự chuẩn bị tốt và giữ bình tĩnh khi xảy ra sự cố. Trước tiên, hãy lập tức tháo dây an toàn ngay khi thấy xe lao xuống nước, sau đó mở hoặc phá cửa sổ, và cuối cùng là tự giải cứu bản thân, cũng như giúp những người cùng đi, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Hãy chuẩn bị cho tình huống ô tô rơi xuống nước bằng việc trang bị một dụng cụ cắt dây an toàn và phá kính trên xe, để ở trong tầm với của tài xế. Như clip trên cho thấy, nếu có sự chuẩn bị tốt cả về tinh thần và trang bị, chỉ mất 20 giây để thoát khỏi một chiếc ô tô lao xuống nước.

https://dantri.com.vn/o-to-xe-may/tu-vu-sap-cau-phong-chau-nhung-ky-nang-song-con-khi-o-to-roi-xuong-nuoc-20240910084014502.htm


Phá cửa kính nào trên ô tô để thoát hiểm nhanh nhất?

Kính ở mỗi vị trí khác nhau trên ô tô có thể cùng hoặc khác loại, tùy mục đích và mục tiêu của nhà sản xuất; không phải loại nào cũng có thể dễ dàng bị phá vỡ bằng búa thoát hiểm.

Khó phá kính lái hơn kính bên

Với ô tô thông thường, kính lái (kính chắn gió phía trước) thường là loại có nhiều lớp (laminated), còn kính bên và cửa hậu thường là loại kính cường lực (tempered).

Đúng như tên gọi, kính nhiều lớp dùng cho ô tô thông thường là loại có cấu tạo hai lớp kính, ở giữa là một lớp nhựa polyvinyl butyral (PVB) có vai trò hấp thụ lực tác động từ những va chạm mạnh.

Kính nhiều lớp có khả năng co giãn và uốn cong, nên trong trường hợp xảy ra tai nạn, các mảnh kính vỡ dính vào nhau khó gây thương tích. Thiết kế nhiều lớp còn giúp loại kính này giảm tiếng ồn và ngăn tia UV.

Dù độ bền cao hơn, nhưng kính nhiều lớp lại nhẹ hơn kính cường lực.

Trong khi đó, kính cửa sổ và phía sau là loại cường lực, được tạo ra từ việc nung nóng các tấm kính thông thường và làm nguội nhanh. Kính cường lực có độ bền và khả năng hấp thụ xung lực cao gấp 5-10 lần kính thông thường, nhưng thấp hơn kính nhiều lớp.

Khi bị phá vỡ, kính cường lực bung thành các hạt rất nhỏ không sắc nhọn, tránh gây thương tích cho người ngồi trong xe. Kính cường lực thường được dùng cho các cửa xe và phía sau.

Kính cường lực có khả năng chịu lực tác động cao nếu bề mặt tiếp xúc lớn, còn với lực tác động trên bề mặt tiếp xúc nhỏ, kính dễ vỡ. Do đó, búa thoát hiểm cho ô tô có đầu thép nhỏ và nhọn.

Nếu không có sẵn búa thoát hiểm, trong trường hợp khẩn cấp cần thoát ra ngoài, người ngồi trong ô tô có thể sử dụng các vật có đầu nhọn để đập kính, như kìm, tua-vít, dùng gót chân, thậm chí là giày cao gót…

Vì sao chỉ dùng loại nhiều lớp cho kính lái?

Với cửa sổ, việc dùng kính nhiều lớp sẽ giúp bảo vệ người ngồi bên trong xe tốt hơn, giảm nguy cơ văng ra ngoài trong các trường hợp va chạm bên hông xe, mặt khác giúp ngăn việc đập kính trộm cắp. Tuy nhiên, trong trường hợp nguy cấp cần đưa người từ trong ô tô ra ngoài, việc sử dụng kính nhiều lớp sẽ khiến việc phá kính mất nhiều thời gian hơn.

Trên một số mẫu xe đắt tiền, như Rolls-Royce hay Bentley, nhằm tăng độ an toàn và chất lượng cách âm nội thất, kính nhiều lớp cũng được dùng cho cửa bên, nhưng chỉ ở hàng ghế sau và kính hậu, còn phía trước vẫn là kính cường lực, để phòng trường hợp khẩn cấp.

Thông tin về chủng loại kính (nhiều lớp - "Laminated", hay cường lực - "Tempered") thường được ghi ở góc dưới của kính.

https://dantri.com.vn/o-to-xe-may/pha-cua-kinh-nao-tren-o-to-de-thoat-hiem-nhanh-nhat-20240911082853836.htm


...

Pinklaw Vietnam